TRANH HÀNG TRỐNG, TRANH TRUYỀN THỐNG CỦA NGƯỜI VIỆT

Tranh Hàng Trống  bên cạnh tranh Đông Hồ là một niềm tự hào của người Việt Nam, dòng tranh tái hiện một cách sinh động, giản dị những nét đẹp văn hóa của người Việt xưa, góp phần lưu giữ những giá trị ấy trường tồn mãi theo thời gian.

1. Tranh thờ Hàng Trống

Tranh Hàng Trống được biết đến là một dòng tranh dân gian được sản xuất tại phố Hàng Trống, Hàng Nón và Hàng Quạt, huyện Thọ Xương, Hà Nội. Từ thời xa xưa, các tranh dân gian được bày bán tại đây chủ yếu do những họa sĩ bản địa lâu đời vẽ, sau này có thêm các họa sĩ từ nhiều nơi khác đến để vẽ và sản xuất tranh. Vì vậy, tranh Hàng Trống đôi khi được khắc họa thêm những tên hiệu như Vĩnh Lợi, Thanh An, Phúc Bình. Khác với Tranh Đông Hồ và tranh Kim Hoàng, Tranh Hàng Trống thường sử dụng giấy dó có chiều dài và rộng, nền trơn để có thể dễ dàng vẽ tranh. Sau những bước in tranh và in ván gỗ, những người nghệ nhân sẽ tiếp tục thêm bước bồi giấy để tạo nên bức tranh với nét vẽ đậm, rõ ràng. Mỗi công đoạn đều được thực hiện một cách khéo léo, tỉ mỉ, cẩn thận để đảm bảo chất lượng thành phẩm. Đợi đến khi hồ khô, người nghệ sĩ sẽ vẽ màu lại thêm một lần nữa. Mỗi bức tranh Hàng Trống hoàn thiện sẽ cần mất từ 3 – 4 ngày. Tranh sau khi hoàn thành sẽ được lồng trục vào hai phần đầu bức tranh để việc treo tranh dễ dàng, tiện lợi hơn.

Những nét khắc của tranh Hàng Trống được thực hiện bởi những mũi chàng, mũi đục để tạo ra những đường nét tinh vi, mảnh mai, mềm mại, khéo léo. Cho nên, tranh Hàng Trống được đánh giá rất cao về chất kinh kỳ trong nét khắc.

Tranh Hàng Trống được chia làm hai loại là Tranh Tết và Tranh Thờ. Tranh Tết thì nổi tiếng với các bức tranh như: Tứ quý, tranh Cá, tranh Công, chúc phúc,… Tranh thờ thì nổi tiếng với các bức tranh như: tranh Phật, Tam Tòa Thánh Mẫu, Ngũ hổ, Tứ phủ,…

2. Tranh tết Hàng Trống

Tranh “Cá chép vượt vũ môn” mang ý nghĩa tượng trưng cho khát vọng vươn đến những tầm cao mới của con người trong cuộc sống. Những người có được “viên ngọc quý” là tính nhẫn nại, kiên trì, không ngại vượt qua khó khăn, trở ngại thì chắc chắn sẽ thành công. Chính vì những ý nghĩa như vậy nên bức tranh này thường được treo trang trí tại phòng khách gia đình, để cầu mong sự an lành, sung túc, may mắn, thịnh vượng trong cuộc sống, trong kinh doanh, học hành, thi cử. Bên cạnh sự cầu mong tài lộc, vinh hoa phú quý, tranh “Cá chép vượt vũ môn” còn là lời nhắc nhở con người luôn biết mài dũa, trau dồi bản thân để nâng cao phẩm chất cao đẹp.

Tranh “Tứ quý bốn mùa” là bức tranh khắc họa bốn loại cây Tùng – Cúc – Trúc – Mai tượng trưng cho bốn mùa trong năm là Xuân – Hạ – Thu – Đông. Bốn loại cây này là bốn loại cây tượng trưng cho những tính cách tốt đẹp, cao quý của con người.Theo quan niệm Tranh Tứ Binh của Trung Hoa, hoa mai tương ứng với mùa Xuân, cây Trúc tương ứng với mùa Hạ, biểu tượng cho sự chính trực, ngay thẳng của con người. Hoa cúc tương ứng với mùa Thu, loài hoa này mang ý nghĩa biểu tượng cho sự cương trực, có lập trường, dù úa tàn thì bông vẫn ở trên thân cây. Cuối cùng là cây Tùng tương ứng với mùa Đông, loài cây này thường mọc trên vùng núi cao khô cằn, dù vậy, vẫn sinh trưởng mạnh mẽ, đầy sức sống. Vì thế loài cây này còn có ý nghĩa tượng trưng cho tinh thần vượt khó của con người.

Ngoài ra còn bộ tranh Tố Nữ chơi nhạc cụ cũng là tranh mà ngày xưa trong nhà chúng ta thường treo khi ngày xuân tết đến, Bốn cô gái trong trang phục cổ truyền  thuộc thể loại Tranh Tứ Bình (gồm 4 bức tranh), thể hiện 4 thiếu nữ Việt Nam có trang phục xưa, vấn tóc đuôi gà, mặc áo tứ thân và đều đang đứng với 4 cử chỉ khác nhau: cô thổi Sáo, cô cầm Sênh Tiền, cô cầm quạt và cô gảy Đàn Nguyệt.  Mỗi người một vẻ đẹp và mang nét mặt thể hiện tâm hồn thiếu nữ Việt Nam xưa. Trong đó, mỗi bức tranh kèm theo 1 bài Thơ Thất ngôn tứ tuyệt viết bằng Hán Tự.

3. Tranh sinh hoạt và thiên nhiên Hàng Trống

Tranh “Chợ quê” là một bức tranh thuộc đề tài sinh hoạt và thiên nhiên, miêu tả cảnh họp chợ của một vùng nông thôn sầm uất, nhộn nhịp có đầy đủ các tầng lớp xã hội với những hàng, quán xá, ngành nghề đa dạng. Qua nét vẽ ta có thể thấy được ký ức tuổi thơ mỗi lần chợ họp thật gần gũi, thân thương, bình dị, thân quen. Có thể nói, chợ quê là một nơi lưu giữ tất cả những ký ức tuổi thơ, những nét đẹp văn hóa, tục lệ xa xưa không dễ bị mai một. Những loại tranh này thì bạn có thể đặt ở phòng ăn làm cho không gian phòng ăn, hoặc đại sảnh lớn.

Hy vọng các bạn hiểu và yêu tranh cổ truyền việt nam.

Written by Nguyen Dung

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *